Đề xuất tiếp tục miễn visa cho du khách
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch mới được tổ chức, các chuyên gia trong ngành du lịch đã kiến nghị Chính phủ xem xét tiếp tục miễn thị thực (visa) đơn phương cho khách du lịch đến từ một số thị trường trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan). Sau 8 năm thực hiện, thời hạn tạm trú của khách du lịch được miễn thị thực là 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay.
Coi trọng nguồn thu từ xã hội
Một
trong những cơ sở của đề xuất dừng việc miễn thị thực là không thu được
lệ phí visa, gây thất thu cho ngân sách. Hiện nay, mức thu lệ phí cấp
visa một lần cho khách quốc tế đến Việt Nam là 45 USD, nếu tiếp tục miễn
thị thực cho bảy thị trường khách quốc tế Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Thụy
Điển, Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan thì mỗi năm sẽ gây thất thu cho ngân
sách 50 triệu USD.
Tuy
nhiên, phía Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng, thiệt hại từ việc thu
phí visa là không đáng kể so với lợi nhuận mang lại từ du lịch. Theo
tính toán, trong năm 2012, riêng ba thị trường trọng điểm là Hàn Quốc,
Nhật Bản và Nga đạt trên 1,45 triệu lượt khách đến Việt Nam, với mức chi
tiêu từ 1.200 USD - 2.000 USD/khách/tour và lấy mức bình quân chi tiêu
là 1.500 USD thì doanh thu từ các thị trường này đạt khoảng 2,1 tỷ USD.
Tính thuế VAT mà các doanh nghiệp du lịch nộp ngân sách là 10% thì riêng
đóng góp cho ngân sách đã là 210 triệu USD. Như vậy, tính chung 3 thị
trường Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chiếm 1/4 lượng khách quốc tế đến
Việt Nam và chiếm 1/3 doanh thu. Như vậy mỗi năm nhà nước có thể thất
thu vài chục triệu USD phí visa, nhưng bù lại Việt Nam thu được hàng tỷ
USD từ lượng khách quốc tế Việt Nam tham quan, du lịch.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: “Lệ phí visa
cũng đóng góp cho ngân sách, tuy nhiên số đó quá nhỏ bé nếu so với
nguồn lợi từ việc thu từ xã hội của du lịch, chỉ riêng thuế VAT đã hơn
200 triệu USD. Như vậy không nên bỏ 200 triệu USD để lấy 50 triệu USD,
chưa kể việc chi tiêu của khách đối với mua sắm, tạo công ăn việc làm
cho nhiều vùng phát triển… Đặc biệt, đây là những thị trường khách có
chi trả cao, phù hợp cho định hướng Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, thu hút khách có khả năng chi trả cao”.
Tạm thời vẫn tiếp tục
Đại
diện các doanh nghiệp du lịch cho rằng, việc làm thủ tục visa còn phải
tính đến tâm lý tiêu dùng của từng thị trường khách. Ông Lưu Đức Kế,
Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết: “Việc thu và làm thủ tục visa
sẽ làm mất thời giờ của du khách. Khi làm visa, du khách phải đến đại
sự quán, do đó gặp khó khăn trong việc đi lại... Nếu không áp dụng việc
miễn visa, khách Nga sẽ chuyển hướng sang các thị trường điểm đến khác”.
“Trên
thực tế, nếu xét về tâm lý, chỉ có khách ưa đi khám phá thiên nhiên,
tìm hiểu về văn hóa thì mới quyết tâm chờ đợi để làm visa vào nước họ
muốn khám phá, trong khi đó khách đi nghỉ dưỡng sẽ ít dành thời gian cho
việc này và nơi nào thông thoáng về thủ tục hành chính, an toàn và dịch
vụ tốt thì họ lựa chọn. Trong khi đó, các thị trường Bắc Âu và Nga chủ
yếu là đi nghỉ dưỡng. Do đó, nếu Việt Nam xác định chiến lược trong thời
gian tới phát triển du lịch biển đảo thì cần xây dựng chính sách thông
thoáng để tạo điều kiện cho khách đến Việt Nam”, ông Nguyễn Xuân Quỳnh,
Giám đốc điều hành Vietnam Now Travel nhận xét.
Ngoài
những lập luận trên, bản thân các doanh nghiệp lữ hành và các chuyên
gia du lịch khẳng định, nếu bỏ việc miễn visa cho khách du lịch đến từ 7
thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Phần
Lan thì lượng khách du lịch sẽ giảm khoảng 50%. Theo các chuyên gia, nỗi
lo thường trực của du khách là chi phí cho việc giải quyết visa, nhất
là thời gian chờ đợi.
Ông
Phạm Từ, nguyên Tổng Cục phó Tổng Cục du lịch cho rằng: Việc bỏ miễn
visa đầu tiên áp dụng với thị trường Nhật Bản vào khoảng năm 2005 và
ngay lập tức cho thấy hiệu quả khi thu hút nguồn khách này. Từ đó, nước
ta mới tiếp tục mở rộng ra 7 thị trường trọng điểm khác. Đây là một
trong những động lực giúp cho Việt Nam có số lượng khách tăng trong
những năm vừa qua. Để đáp ứng xu thế hội nhập, theo tôi không những duy
trì việc miễn visa cho 7 thị trường khách này mà tiếp tục mở rộng tới
các thị trường trọng điểm khác. Việc miễn thủ tục này cho du khách tới
từ một số thị trường du lịch trọng điểm sẽ là đòn bẩy kích thích tăng
trưởng du khách quốc tế đến Việt Nam. Trong khu vực hiện nay Thái Lan
đang miễn visa cho 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, Malaixia miễn visa cho
155 quốc gia và vùng lãnh thổ, còn Inđônêxia chỉ áp dụng cấp visa tại
cửa khẩu cho công dân đến từ 24 quốc gia…
Ông
Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch cho biết: Trong thời
gian lấy ý kiến các bộ ngành liên quan về vấn đề miễn visa đơn phương
cho một số thị trường trọng điểm, Chính phủ tạm thời vẫn tiếp tục thực
hiện miễn visa cho 7 thị trường trọng điểm và Bộ VH,TT&DL tiếp tục
kiến nghị với Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách miễn visa với những
thị trường khách trọng điểm này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét