Lào Cai nổi tiếng bởi các địa danh du lịch như SaPa, Bắc Hà, nơi đây còn được du khách biết đến bởi các làng nghề truyền thống: Dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc, rèn đúc, nấu rượu… mang đậm bản sắc dân tộc.
Nhiều làng nghề đã tạo thương hiệu trên thị trường, với sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân địa phương mà còn trở thành hàng hóa được người tiêu dùng ưu chuộng. Mỗi khi đến với Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương, khách du lịch không chỉ được ngắm nhìn khung cảnh vùng cao thanh bình, mà còn được tham quan nơi sản xuất, thậm chí có thể trực tiếp tham gia làm ra sản phẩm. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề của tỉnh.
Ðể bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, trong những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã không ngừng nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát triển các nghề và làng nghề thủ công truyền thống. Năm 2008, nghề rèn đúc tại thôn Bản Phố I, xã Bản Phố (Bắc Hà) được tổ chức bảo tồn. Trong khuôn khổ Dự án “Đầu tư bảo tồn làng truyền thống dân tộc Mông” làng Cát Cát, xã San Sả Hồ (Sa Pa), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tiến hành bảo tồn 4 nghề thủ công truyền thống đó là: Nghề dệt thổ cẩm, nghề chạm khắc bạc, nghề rèn đúc, nghề mộc, đan lát mây - tre - rơm đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội lớn cho sự phát triển của địa phương và vùng du lịch…
Song song với công tác bảo tồn làng nghề, nghề thủ công truyền thống, việc phát huy thế mạnh nghề thủ công bằng chiến lược phát triển lâu dài là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của ngành, nghề thủ công truyền thống. Hiện nay, tỉnh đã hình thành các mô hình nghề, làng nghề tương đối rõ nét. Tại Cát Cát (Sa Pa) đã dần hình thành thương hiệu các sản phẩm của nghề rèn đúc, dệt vải lanh của người Mông. Các làng nghề nấu rượu nổi tiếng và sản phẩm đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, như rượu ngô Bản Phố (Bắc Hà), rượu San Lùng, Bản Xèo (Bát Xát) …
Các làng nghề của tỉnh đã gắn với các điểm du lịch và thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao mức sống của nhiều hộ gia đình thông qua kinh doanh nhà nghỉ, bán hàng thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm… Du lịch cộng đồng cũng tác động tích cực đến sự phân bố ngành nghề lao động. Trước kia, các làng, bản ở Sa Pa, người dân chủ yếu sống bằng nông, lâm nghiệp, nay đã có nhiều hộ tham gia vào hoạt động du lịch và các hoạt động của làng nghề.
Với mục tiêu bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, hầu hết các làng nghề đã tạo được những nét riêng để khách du lịch tìm hiểu, khám phá. Đặc biệt, nghề dệt thổ cẩm chiếm ưu thế, phục vụ nhu cầu trong gia đình và khách du lịch. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Sa Pa đã có 11 làng nghề thêu, dệt thổ cẩm thuộc các xã Tả Phìn, San Sả Hồ, Sa Pả với khoảng 1.050 hộ tham gia tập trung và một số tổ hợp của Hội phụ nữ huyện, mỗi năm đưa ra thị trường từ 32.000 - 35.000 m vải. Các huyện Văn Bàn, Bắc Hà… cũng đã hình thành nhiều làng nghề thêu, dệt thổ cẩm, thu hút hàng nghìn lao động nhàn rỗi.
Ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Để phát triển du lịch làng nghề phải gắn phát triển sản xuất với du lịch và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền cho sản phẩm của làng nghề. Khi các làng nghề đã có thương hiệu thì việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các làng nghề trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt sẽ giải quyết được một lượng lớn lao động địa phương, góp phần tăng thu nhập cho lao động khu vực nông thôn. Ðây cũng là điều kiện đáp ứng các tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay./.
Các dịch vụ liên quan:
Gia hạn visa cho người nước ngoài
Giấy phép lao động cho người nước ngoài
Thẻ tạm trú
0 nhận xét:
Đăng nhận xét