1. Văn bản pháp quy
- Pháp lệnh về Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 28/4/2000
- Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
- Thông tư liên tịch số 04 /2002/TTLT/BCA-BNG ngày 29/01/2002 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28-5-2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
- Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-BCA-BNG ngày 30/01/2007 của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao sửa đổi bổ sung một số quy định của Thông tư liên tịch số 04/2002/TTLT/BCA-BNG ngày 29/01/2002 (hướng dẫn việc thực hiện Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam)
- Thông tư số 44/2011/TT-BCA ngày 29/06/2011 của Bộ Công an hướng dẫn cấp Giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam cho người nước ngoài quá cảnh.
2. Quy định chung
- Người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (sau đây gọi chung là hộ chiếu) và phải có thị thực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp được miễn thị thực (Điều 4, Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam). Giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu phải được giới thiệu trước và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp nhận qua đường ngoại giao.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh nước đó và mẫu giấy tờ này đã được thông báo chính thức cho Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp nhận qua đường ngoại giao thì được sử dụng giấy tờ đó để nhập cảnh Việt Nam (Mục II Điều 1 khoản a, Thông tư liên tịch số 04/2002/TTLT-BCA-BNG ngày 29/01/2002).
3. Các loại thị thực và đặc điểm
a. Loại thị thực:
- Thị thực dán: là loại được dán trực tiếp vào trang hộ chiếu.
- Thị thực rời: là loại được cấp tờ rời kèm theo hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại có giá trị thay hộ chiếu.
b. Giá trị thị thực
- Thị thực có giá trị nhập, xuất cảnh một lần (gọi tắt là thị thực một lần)
- Thị thực có giá trị nhập, xuất cảnh nhiều lần (gọi tắt là thị thực nhiều lần)
c. Thời hạn thị thực
- Thị thực Việt Nam có giá trị dài nhất không quá 12 tháng và không được gia hạn.
d. Ký hiệu thị thực
- A1: cấp cho thành viên chính thức các đoàn khách mời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và khách mời cấp tương đương của Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thân nhân, người giúp việc cùng đi.
- A2: cấp cho thành viên cơ quan đại diện nước ngoài và thân nhân, người giúp việc cùng đi.
- A3: cấp cho người vào làm việc với cơ quan đại diện nước ngoài hoặc vào thăm thành viên cơ quan đại diện nước ngoài.
- B1: cấp cho người vào làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan Trung ương của các tổ chức nhân dân, đoàn thể quần chúng.
- B2: cấp cho người vào thực hiện dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép.
- B3: cấp cho người vào làm việc với các doanh nghiệp của Việt Nam.
- B4: cấp cho người vào làm việc tại văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức kinh tế, văn hoá và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài; tổ chức phi chính phủ có trụ sở đặt tại Việt Nam.
- C1: cấp cho người vào Việt Nam du lịch.
- C2: cấp cho người vào Việt Nam với mục đích khác.
- D: cấp cho người không có cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mời đón, có nhu cầu vào và lưu trú tại Việt Nam không quá 15 ngày và đáp ứng các điều kiện để được cấp thị thực D (Quí khách liên hệ với CQĐD để được hướng dẫn cụ thể). Thị thực D có giá trị một (01) lần và được cấp trước ngày thị thực có giá trị tối đa là 15 ngày.
4. Hồ sơ nộp tại cơ quan đại diện Việt Nam gồm
- 01 đơn (theo mẫu quy định), dán ảnh
- Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (sau đây gọi chung là hộ chiếu). Thời hạn giá trị còn lại của hộ chiếu phải dài hơn ít nhất là 1 tháng so với thời hạn giá trị của thị thực xin cấp. Chú ý: Nhiều hãng hàng không yêu cầu hộ chiếu phải còn giá trị ít nhất trên 6 tháng mới được lên máy bay.
- Các văn bản sau (nếu có): công hàm của Bộ Ngoại giao nước sở tại hoặc kiêm nhiệm/công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài tại nước sở tại hoặc kiêm nhiệm (đối với khách vào theo diện Bộ Ngoại giao quản lý); văn bản thông báo chấp thuận của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) hoặc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh.
- Xin cấp thị thực D: Quí khách liên hệ với CQĐD để được hướng dẫn cụ thể.
* Xin cấp thị thực rời: trong đơn nêu rõ lý do, mục đích xin cấp thị thực rời (xem quy định về đối tượng được cấp thị thực rời)
* Người Việt Nam ở nước ngoài về thăm
thân nhân mà không có hộ chiếu, nếu mang giấy tờ do cơ quan có thẩm
quyền của nước ngoài cấp có giá trị xuất, nhập cảnh và mẫu giấy tờ đó đã
được thông báo chính thức cho Việt Nam qua đường ngoại giao, nộp: Đơn,
giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp có giá trị xuất,
nhập cảnh nước đó, bằng chứng về việc đã nhập cảnh VN lần trước cách lần
này không quá 36 tháng (nếu có).
5. Thời hạn giải quyết
- Đối với người đã có thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh về việc cho nhập cảnh: Cơ quan đại diện Việt Nam cấp thị thực theo nội dung đã được thông báo trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Thị thực D:Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (đơn, hộ chiếu và giấy tờ khác).
- Đối với người Việt Nam về thăm thân nhân, nếu có bằng chứng đã nhập cảnh Việt Nam lần trước cách thời điểm xin nhập cảnh không quá 36 tháng: Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (gồm đơn, hộ chiếu). Chú ý: Trường hợp xin về nước thăm thân lần đầu thì cần liên hệ với người mời ở Việt Nam làm thủ tục xin cấp phép nhập cảnh với Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Sau khi nhận được thông báo chấp thuận của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cơ quan đại diện Việt Nam cấp thị thực theo nội dung đã được thông báo trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, hộ chiếu của khách.
6. Đối tượng cấp thị thực rời
(khoản 1, Điều 3, Nghị định số 21/2001/NĐ-CP và điểm c, khoản 1, Mục II, Thông tư liên tịch số 04 /2002/TTLT/BCA-BNG )Những trường hợp sau đây được cấp thị thực rời kèm theo hộ chiếu :
- Hộ chiếu đã hết trang cấp thị thực mà chưa kịp đổi hộ chiếu mới;
- Hộ chiếu của nước chưa có quan hệ ngoại giao, lãnh sự với Việt Nam;
- Vì lý do an ninh hoặc lý do ngoại giao.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang giấy tờ do nước nơi mình cư trú cấp, có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh và đã thông báo chính thức cho Việt Nam qua đường ngoại giao.
7. Người nước ngoài xin nhập cảnh được cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế của Việt Nam trong những trường hợp sau đây
(Điều 6, Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 28/4/2000):- Vào dự tang lễ thân nhân, thăm thân nhân đang bị ốm nặng;
- Xuất phát từ nước không có cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam;
- Vào du lịch theo chương trình do các doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức;
- Vào hỗ trợ kỹ thuật khẩn cấp cho công trình, dự án; cấp cứu người bị bệnh nặng, người bị tai nạn; cứu hộ thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam;
- Vì lý do khẩn cấp khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét